Hành vi truyền bệnh này là dựa vào virus, nghĩa là người thực hiện đã sử dụng phương tiện là một “chất có hại tới sức khoẻ” và sẽ bị liệt vào tội cố ý gây thương tích nguy hiểm cho người khác.
Theo trang báo trực tuyến taz, thời gian vừa qua ngày càng xảy ra nhiều vụ cảnh sát và những người đi đường tại Berlin, Mannheim và khu vực Münsterland, thậm chí tại Anh và cả Hà Lan đã bị một số đối tượng cố tình ho hoặc khạc đờm, nhổ nước bọt vào mặt. Đây là những hành động gây khó chịu và thật ghê tởm, nhưng đó có phải là những hành vi phạm tội không?
Nhiễm Covid-19 cố tình ho vào mặt người khác
Câu trả lời đơn giản nhất là khi đối tượng nhổ nước bọt thật sự bị nhiễm COVID-19 và cố tình truyền bệnh cho người khác. Theo đó, hành vi này là cố tình xâm hại và gây thương tích cho người khác – bất kể là sau đó, nạn nhân có thật sự bị sốt hoặc có những triệu chứng nhiễm bệnh hay không, nhưng kể từ khi căn bệnh Aids (si-đa) xuất hiện trên thế giới, thì chỉ riêng việc cố ý truyền bệnh cho người khác đã là cấu thành tội xâm phạm và tổn thương sức khoẻ.
Hành vi truyền bệnh này là dựa vào virus, nghĩa là người thực hiện đã sử dụng phương tiện là một “chất có hại tới sức khoẻ” và sẽ bị liệt vào tội cố ý gây thương tích nguy hiểm cho người khác. Mức hình phạt sẽ từ 6 tháng đến 10 năm tù.
Ngoài ra, việc người nhiễm COVID-19 ho vào mặt người khác cũng là hành vi phạm tội, kể cả nạn nhân không bị lây bệnh, vì đây cũng là tội gây thương tích bất thành và sẽ bị xử phạt. Người nào bị bệnh mà cố tình ho vào mặt người khác nghĩa là cũng biết rất rõ, người đó có thể bị nhiễm bệnh từ mình. Hành vi gây thương tích bất thành cũng sẽ được cấu thành khi nạn nhân thật sự bị nhiễm bệnh, dù không chứng minh được có phải do bị ho hay bị nhổ vào mặt vào lần đó hay không, hay lây từ chỗ khác.
Giả vờ nhiễm Covid-19 hù dọa người khác
Trước pháp luật, khó khăn nhất là các trường hợp đối tượng không bị bệnh, mà chỉ cố tình kể rằng bản thân bị nhiễm bệnh để hù doạ người khác. Nếu chỉ là việc ho hay khạc nhổ hoặc nói dối và hù doạ người khác không thôi thì không cấu thành tội phạm. Nhưng tất nhiên, thủ phạm phải chịu trách nhiệm về mọi hậu quả có thể thấy trước.
Ví dụ như nếu nạn nhân bị giật mình và ngã xuống từ xe đạp, hay vì lo sợ nhiễm COVID-19 mà trở nên giận dữ, tâm thần bất ổn hoặc có hành động điên cuồng, vậy từ đó sẽ cấu thành tội phạm tội cố ý gây thương tích và bị xử phạt.
Việc “giả mạo hành vi phạm tội” cũng bị xử phạt, nghĩa là tội giả mạo bị bệnh để lừa dối người thi hành công vụ, ví dụ nếu đối tượng ho vào mặt cảnh sát và làm ra vẻ mình bị nhiễm COVID-19 (mặc dù sự thật là người này không bị bệnh) sẽ bị xử phạt tiền hoặc phạt tù đến 3 năm. Nếu thực hiện hành vi giả mạo bị bệnh này với một người qua đường thì tuy là không cấu thành tội phạm, nhưng cũng sẽ gặp khá nhiều rắc rối.
Trước tiên, đối tượng này sẽ bị tình nghi tội cố ý gây thương tích nguy hiểm cho người khác. Cảnh sát sẽ nhận nhiệm vụ điều tra và Sở Y Tế trong vùng sẽ yêu cầu đối tượng phải đi xét nghiệm, đồng thời phải tự cách ly ở nhà. Nếu bỏ trốn, toà án có thể ra lệnh bắt giữ và tạm giam. Như vậy có thể nói rằng, trong thời kỳ chống dịch hiện nay, mọi tin thật hay giả, cả những hành vi quá đáng, không phù hợp, đều không nên mang ra làm trò đùa để mua vui hay trêu chọc người khác được.
Theo: Thoibaovietduc, taz.de