Ở Đức, tất cả các trẻ em đều phải đi học. Nếu như ở Việt Nam chương trình học thường là 12 năm thì với hệ thống giáo dục ở Đức, các bạn học sinh chỉ phải đi học đến hết lớp 9. Sau đó có thể ra trường và đi học nghề. Mỗi bang ở Đức đều có những quy định và chương trình giảng dạy riêng, các kì thi và kì nghỉ hè cũng khác nhau. Trẻ em ở Đức đi học hoàn toàn miễn phí, họ chỉ phải đóng những chi phí phụ như thuê sách giáo khoa, tiền đi dã ngoại với lớp hoặc quỹ lớp.
Hệ thống giáo dục ở Đức sẽ được chia thành các bậc cụ thể như sau:
Trước khi vào lớp 1 thì hầu hết các trẻ em đều sẽ đi nhà trẻ (Kita) và mẫu giáo (Kindergarten). Đến khi đủ tuổi đi học lớp 1 (6 tuổi) thì các bạn trẻ này sẽ phải vượt qua một kì thi ở trường để đảm bảo rằng bé có đủ khả năng theo học. Ngoài ra các bé cũng sẽ được kiểm tra về sức khỏe, ở đó các bác sỹ sẽ kiểm tra khả năng nghe, nói, nhìn, vận động của các bé. Nếu đạt đủ tiêu chuẩn, các bé sẽ được vào lớp 1, còn không sẽ phải học thêm mẫu giáo tiếp một năm.
Grundschule (hệ tiểu học):
Thường là 4 năm (có một vài bang kéo dài tới 6 năm). Ở đấy các bé sẽ được học những môn như Toán, tiếng Anh, tiếng Đức, nhạc, họa, môn học sự vật và thể thao. Ngoài những môn học chính đấy ra thì ngay ở những năm học cấp 1 các bé đã được rèn luyện kĩ năng thuyết trình trước đám đông, cách ứng xử với thầy cô, bạn bè hay luật giao thông và các cách bảo vệ môi trường phân loại rác, không vứt rác bừa bãi…). Các buổi học thường kết thúc lúc 13h và các em không cần nhiều hơn hai mươi phút để làm bài tập về nhà.
Sau tiểu học, sẽ có ba hướng đi cho các bạn học sinh:
Hauptschule (dành cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 9):
Chương trình này dành cho những em học sinh có học lực kém, khả năng tiếp thu chậm. Ở đây các em cũng sẽ được học những môn cơ bản, nhưng sẽ thiên về thực hành nhiều hơn. Sau khi học xong lớp 9, các em cũng sẽ được nhận bằng tốt nghiệp. Những bạn nào học lực tốt thì có thể chuyển sang hệ Realschule để học tiếp, còn không thì sẽ đi học nghề.
Realschule (dành cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 10):
Chương trình này dành cho những em có học lực khá. Ngoài những môn cơ bản và tiếng Anh bắt buộc, các em còn được học thêm một ngoại ngữ khác (như trường mình là tiếng Pháp), những bài học kĩ năng khác như cách thuyết trình hay cách gõ văn bản bằng mười ngón tay.
Đầu học kì hai của lớp 9 thì các bạn sẽ đi thực tập khoảng hai tuần và sau đó sẽ phải viết một báo cáo thực tập dài 8-10 trang. Ngoài ra mỗi học sinh sẽ phải viết một bài tiểu luận nhỏ (được lựa chọn chủ đề trong khuôn khổ). Hết lớp 10, những bạn học khá giỏi có thể chuyển tiếp lên học Gymnasium, còn những bạn khác thì sẽ tiếp tục đi học nghề (v.d nghề nuôi dạy trẻ, ngân hàng, y tá, điều dưỡng, kế toán…)
Gymnasium (dành cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 13):
Đây là bậc học dành cho những bạn học khá giỏi. Ở đây, mỗi học sinh sẽ bắt buộc phải học hai ngoại ngữ (như trường mình ngày xưa là tiếng Anh & tiếng Pháp hoặc tiếng Anh & tiếng Latinh). Tới lớp 12 thì sẽ bắt đầu tập trung vào học chuyên sâu và chia ra làm các môn Leistungskurse (môn chính) và Grundkurse (môn phụ). Các môn chính sẽ được học nhiều hơn và hệ số điểm thi cũng sẽ được nhân lên mấy lần. Lớp 11 hoặc lớp 12 mỗi học sinh cũng sẽ phải viết một bài tiểu luận dài 10-12 trang, sau khi có bằng tú tài thì các bạn ấy có thể đi học nghề hoặc học Đại học.
Hồi còn học ở Gymnasium thì trường mình hay tổ chức cho học sinh tới một trường Đại học nào khoảng một tuần để các bạn học sinh có thể tập làm sinh viên. Hầu hết tất cả các buổi sáng và hai buổi chiều học sinh sẽ lên giảng đường và được tự chọn tham gia các môn học mà các bạn ấy quan tâm. Những buổi chiều còn lại thì sẽ tham gia vào các buổi học thuyết trình hoặc lắng nghe các anh chị sinh viên chia sẻ về cuộc sống của một tân sinh viên. Đầu lớp 12 thì lớp sẽ đi dã ngoại (Studienfahrt) ở một đất nước nào đó, có thể là Pháp, Séc, Ý, Tây Ban Nha hay Anh. Mục đích là để cho các em học sinh được mở rộng tầm nhìn, được có cơ hội được học hỏi và sử dụng vốn tiếng anh và ngoại ngữ đã học.
cre: Hoàng Yến Anh
CÔNG TY TNHH DWN VIỆT NAM
Hotline: 024 6688 5815
Email: dwnedu.vietnam@gmail.com
Facebook: DWN.Deutsch.Warum.nicht