Der Vorleser – Tình yêu hay tội lỗi
Tác giả: Bernhard Schlink
Ra đời năm 1995, tiểu thuyết “Người đọc” (Der Vorleser) trở thành một hiện tượng chấn động văn đàn Đức khi đề cập đến vấn đề khá nhạy cảm – tội ác của Đức quốc xã trong Thế chiến II. Hình ảnh những trại tập trung một lần nữa được nhắc đến như một bằng chứng cho tội ác không thể chối cãi trong lịch sử nhân loại. Cuốn sách ngay sau đó đã được phổ biến rộng rãi với bảy triệu ấn bản và được dịch ra 38 thứ tiếng khác nhau trên toàn thế giới.
Trong cuốn tiểu thuyết, tác giả chỉ tập trung miêu tả cuộc gặp gỡ của hai nhân vật trong bối cảnh những năm 1960 ở Đức: Michael Berg – một thiếu niên 15 tuổi chưa nếm mùi đời và Hanna Schmitz – người phụ nữ với số tuổi gần gấp đôi. Khi biết Hanna không biết chữ, Michael hàng ngày đều đọc cho cô những tác phẩm văn học nổi tiếng sau khi tắm và rồi họ làm tình với nhau. Nghi thức “tắm – đọc sách – làm tình” khi họ ở nhà Hanna dường như được tác giả chắp bút trở thành một nghi thức thiêng liêng xuyên suốt cuốn tiểu thuyết.
Sau một thời gian yêu kỳ lạ và đầy đam mê, Hanna đột nhiên biến mất. Nhiều năm sau, Michael trở thành sinh viên luật. Anh gặp lại Hanna trong một phiên toà, nơi chị bị kết tội đã viết bản cáo trạng tiếp tay cho phát xít Đức giết hại tù nhân Do Thái… Khoảng cách của hai người lúc bấy giờ không còn là khoảng cách tuổi tác, mà còn là khoảng cách của hai thế hệ, của một người trẻ ở xã hội mới chứng kiến và buộc tội một cách định kiến vào người của chế độ cũ. Chỉ có Micheal biết rõ Hanna vô tội, đơn giản chỉ vì cô không biết chữ. Michael đứng trước sự lựa chọn lớn: tiết lộ sự thật để minh oan cho Hanna hoặc im lặng, giữ lại bí mật cho cô. Michael đã chọn cách thứ hai.
Lịch sử không phải là nét vẽ chính trong bức tranh của “Der Vorlerser”, nhưng nó là màu sắc bao trùm cả cuốn sách. Dẫu vậy, lịch sử dẫu đau buồn, nhưng điều còn lại sau cùng vẫn là con người. Chính con người và sự khơi mở tâm trí con người là điều lưu giữ đẹp nhất.
– Nguồn: DWN Việt Nam –