Vụ án – Der Prozess
Tác Giả – Franz Kafka
Franz Kafka là một nhà văn lỗi lạc, người đã đi tiên phong và tạo nên sự “đột biến” trong văn xuôi đầu thế kỷ XX. Các sáng tác của Kafka đa phần đã bị chính ông tiêu hủy. Những tập bản thảo còn sót lại chủ yếu được nguời bạn thân Max Brod biên tập và cho xuất bản sau khi ông qua đời. Ở Việt Nam, Kafka được biết đến tương đối muộn. Độc giả Việt Nam được „tiếp xúc“ với ông lần đầu tiên qua tác phẩm „Vụ án“ (Tên gốc: Der Prozess).
“Vụ án” là câu chuyện kể về anh nhân viên ngân hàng Josef K. Một sớm nọ, vào ngày sinh nhật lần thứ 30 của mình, K. thức dậy, thấy xuất hiện hai người lạ mặt mặc đồng phục tự xưng là người của tòa và tuyên bố anh bị kết án. Từ một công nhân mực thước, K. trở thành tên tội phạm. Thoạt tiên anh ngờ đấy là một trò đùa, song mấy kẻ lạ mặt chỉ một mực gán anh có tội mà không hề cho anh biết mình bị tội gì, chỉ khẳng định là làm theo lệnh cấp trên. K. bị cuốn vào vòng xoáy đi tìm nguyên nhân bản án cũng như chạy tội cho bản thân.
Cuốn tiểu thuyết giống như một phép toàn ảnh cuộc đời, nó soi chiếu cuộc đời bằng thứ ngôn ngữ của riêng nó, một thế giới 3 chiều được diễn dịch bằng những trang giấy hai chiều. Nhân vật Josef K. thuộc về kiểu nhân vật rất chung chung. Ngoài một cái tên (mà đến cái tên cũng không đầy đủ), và một chức vụ cao trong một ngân hàng, dường như chẳng còn gì chúng ta có thể mường tượng về anh. Không ngoại hình, không tính cách, không gì hết, Josef K. là một tấm gương trong suốt, bất cứ kẻ nào nhìn vào Josef K. cũng sẽ chỉ thấy cái bóng phản chiếu của chính mình.
“Vụ án” Kafka viết với một giọng văn lạnh lùng, khách quan. Ông ném vào tác phẩm tất cả những “nỗi căm hờn của kiếp người hiện đại”. Tuy vậy, Kafka không cổ xúy cho cái phi lý, cái bi đát, nỗi cô đơn, sự bất lực,… Với ông, cuộc sống đồng nghĩa với việc tranh đấu và vươn lên. Trong “Vụ án”, ta dễ dàng nhận thấy nhân vật K. cố tìm cho ra nguyên nhân bản án cuả mình mặc dù chính con người anh cũng đầy những phi lý, bất lực. Nhận thức và mô tả cái phi lý trong tác phẩm, Kafka như gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh cho con người đồng thời cất lên tiếng kêu cứu, giải thoát cho kiếp người. Đó là chiều sâu nhân đạo trong tác phẩm “Vụ án” khi viết về hành trình đi tìm “bản án” của K.