Cũng giống như cơm là món ăn chính thường xuyên xuất hiện trong các bữa ăn của người Việt, khoai tây luôn được người Đức ưu tiên hàng đầu khi dùng bữa. Nhiều người Đức ưa chuộng món khoai tây và dành một tình yêu đặc biệt cho món ăn này. Điều này được thể hiện rõ không chỉ qua các công thức chế biến mà còn trong cả thơ văn, ngôn ngữ.
Ngày 19.08 đã trở thành Ngày của khoai tây.
Vào thế kỷ thứ 17, khi mà củ khoai tây vào Đức, nó trở thành một món ăn không mấy được ưa chuộng. Những giống cây được nhập khẩu từ Nam Mỹ thường không nhận được sự tin tưởng từ người dân Đức. Tuy vậy, chỉ một thời gian ngắn sau đó, khoai tây đã dần chiếm được cảm tình nơi đây và xuất hiện đều đặn trong mọi gia đình. Salad khoai tây luôn xuất hiện trên hầu hết các bàn tiệc Buffet từ hàng thế kỷ nay; và bánh kếp khoai tây là món ăn không thể thiếu trong các khu chợ Giánh sinh. Vậy tại sao khoai tây lại được người Đức yêu thích đến vậy, hãy cùng tìm hiểu các lý do sau đây nhé!
1. Khoai tây trở thành món chính trong thực đơn hàng ngày
Khoai tây là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống của người Đức. Bất kể ở dạng nào: Dù là súp, khoai tây chiên kiểu Pháp hay chips – người Đức ăn trung bình 67 kg khoai tây mỗi năm, tương đương với gần 1,3 kg mỗi tuần.
2. Khoai tây từng được quảng cáo bởi Hoàng gia
Cây khoai tây có nguồn gốc từ vùng Aden của Peru và Bolivia. Mãi đến năm 1630 khoai tây mới xuất hiện tại Đức. Thời đó, chỉ với một bí quyết nhỏ, vua Friedrich Đệ Nhị của vương quốc Phổ đã để người nông dân của mình nuôi trồng một giống cây mới mà không để người dân biết được cây gì. Ngài đã bảo vệ khu vườn của mình tránh khỏi sự dòm ngó của quân đội, và tiếp tục để nông dân nuôi trồng. Bí quyết đó của ông đã thành công, và kết quả là khoai tây trở thành một loại củ quả được biết đến là có hương vị ngon nhất.
3. Khoai tây phù hợp với mọi công thức nấu ăn
Ngày nay có khoảng hơn 5000 loại khoai khác nhau. Điều quan trọng làm nên một món ăn với khoai tây ngon là việc chọn lựa đúng loại khoai cho công thức của bạn. Khoai tây không được sắp xếp theo màu sắc hoặc kích thước, nhưng theo kết cấu. Các loại khoai tây rắn và đặc ruột đặc biệt phù hợp cho các món ăn nhẹ như salad khoai tây, Gratin hay khoai tây chiên xào. Khoai tây mềm, bột thì thích hợp với các món nướng và hấp.
4. Salad khoai tây – Điểm nhấn của mọi bữa tiệc
Có một điều thú vị mỗi khi nhắc tới tiệc Buffet ở Đức, đó là một số vị khách mời thường hay mang theo Salad khoai tây tới bữa tiệc. Và cũng thật kỳ diệu khi người ta có thể chế biến món này theo nhiều công thức khác nhau. Có người thì chắc chắn rằng nấu salad khoai tây từ nước dùng và thịt xông khói là ngon nhất; nhưng cũng có một số bà nội trợ lại cho rằng salad khoai tây ngon là salad với sốt mayonnaise và dưa chuột muối chua được bảo quản lạnh.
5. Klöße – món ăn kèm hoàn hảo
Klöße – hay còn gọi là bánh bao – là một món ăn kèm phổ biến được làm với nguyên liệu chính là khoai tây nghiền. Chúng chỉ là một phần nhỏ trong thế giới ẩm thực của người Đức, nhưng lại chiếm được cảm tình của biết bao người yêu khoai tây. Klöße cũng là thành phần bắt cặp hoàn hảo với món thịt rán chua (Sauerbraten); và nếu như ăn Sauerbraten mà không có Klöße đi kèm thì quả là một sự thiếu sót của người yêu ẩm thực! Không chỉ riêng Salad khoai tây mà Klöße cũng có nhiều biến thể khác nhau. Trong quá trình chuẩn bị, tính nhất quán của bột khoai tây phải được tính đến. Tùy vào độ mềm của Klöße mà người ta có thể cho thêm bột mỳ hoặc tinh bột vào.
6. Chips với hương vị xúc xích curry
Trung bình một năm người Đức tiêu thụ 67kg khoai tây. Trong đó cứ 1kg tương ứng với khoảng 4 củ khoai được sử dụng để làm chips. Chips tuy không có nguồn gốc xuất xứ từ Đức, tuy nhiên qua thời gian người Đức cũng sáng tạo ra món chips đặc trưng của Đức như chips vị xúc xích curry – một món ăn khá phổ biến ở Đức.
7. Khoai tây chiên kiểu Pháp – món ăn vặt được ưa chuộng
Trong tiếng Đức Pommes Fries có nghĩa là khoai tây chiên. Tuy vậy trong lời nói hàng ngày khoai tây chiên được gọi với tên „thân mật“ là Pommes. Khoai tây chiên là một trong số ít được xứng danh trong danh sách các món được người Đức ưa chuộng nhất. Nó được bày bán ở mọi quán ăn vỉa hè, mọi sân vận động, mọi lễ hội. Trung bình một năm người dân nơi đây tiêu thụ gần 300.000 tấn khoai tây chiên. Đất nước Bỉ được truyền miệng là nơi xuất xứ của món ăn này và đồng thời nó cũng trở thành món ăn quốc gia của đất nước này.
8. Khoai tây nguyên vỏ – tuy lạ mà ngon!
Khi chế biến khoai tây bắt buộc phải bỏ vỏ ư? Vậy bạn đã nhầm rồi! Khoai tây chế biến nguyên vỏ đã gắn bó với nền ẩm thực Đức từ lâu. Không chỉ là một món ăn phụ, giờ đây khoai tây đã trở thành một món chính được phục vụ kèm sốt Kräuterquark và ít salad tươi. Và điều tuyệt vời nhất ở món này chính là người ta có thể tiết kiệm được vỏ khoai cũng như công cuộc nạo vỏ.
9. Bánh kếp khoai tây – món ăn đặc trưng của Chợ Giáng sinh
Đối với những người yêu món bánh kếp khoai tây, họ sẽ nhận ra ngay mùi vị đặc trưng của nó ngay từ những bước đầu tiên bước vào khu Chợ Giáng sinh. Bánh kếp khoai tây là loại bánh được làm từ khoai tây nghiền; là món ăn được cả trẻ nhỏ và người lớn ưa chuộng. Những ai thích thưởng thức vị ngọt có thể chọn ăn kèm với sốt táo. Ngoài ra bánh kếp còn được ăn kèm với cá hồi nữa. Tuy nhiên các bạn nên chú ý khi ăn món bánh này nhé, vì nó rất nóng và béo ngậy đó!
10. Những câu tục ngữ/ thành ngữ trong tiếng Đức có từ khoai tây
“Die dümmsten Bauern ernten die dicksten Kartoffeln” (Nghĩa: chỉ những người không thực sự cố gắng nỗ lực nhưng lại gặt hái thành công – những người tài giỏi không được coi trọng) là một câu tục ngữ phổ biến trong tiếng Đức. Ngoài ra khoai tây còn xuất hiện trong nhiều câu nói ám chỉ khác như: Khi không còn muốn làm việc với đối phương nữa vì bất kỳ lý do gì, người ta thường để cho công việc tự trôi đi, ví như củ khoai tây nóng không ai muốn giữ trên tay.
Như vậy có thể thấy rằng khoai tây là một phần tất yếu trong cuộc sống của người Đức. Nó xuất hiện không chỉ trên các bàn ăn, mà còn trong cả lời nói nữa.
– Nguồn: http://www.dw.com –