[Ngữ pháp hàng tuần] Lối nói gián tiếp trong tiếng Đức

Để thuật lại lời nói, phát ngôn của người khác, chúng ta có thể trích dẫn nguyên văn lời của họ. Trong nhiều văn bản và ở cả các cuộc hội thoại, người ta cũng có thể sử dụng lối nói gián tiếp. Vậy lối nói gián tiếp trong tiếng Đức được thể hiện như thế nào, có quy tắc nào cần lưu ý hay không? Hãy cùng DWN Việt Nam tìm hiểu qua bài viết giới thiệu ngữ pháp siêu bổ ích này nhé!

TỔNG QUAN

Với câu gián tiếp, ta có thể thuật lại những gì người khác đã nói hoặc viết. Cấu trúc ngữ pháp này thường được sử dụng trong các văn bản thông cáo báo chí, các tin bài hay ngôn ngữ đưa tin nói chung. Nó giúp rút ngắn việc trích dẫn phát ngôn và giúp cho việc dẫn lời trở nên khách quan hơn. Kể cả trong văn nói thì câu gián tiếp cũng không kém phần quan trọng, nhất là khi ta nói về các cá nhân khác.

– Khi muốn dẫn lại quan điểm hoặc phát ngôn của ai đó, ta thường sử dụng hầu hết các động từ như: sagen, antworten, meinen, denken, glauben, fragen, betonen, erwidern, mitteilen, …

Ví dụ. Gemma: “Ich gehe heute Abend auf Nadines Geburtstagsparty.” (câu trực tiếp)

-> Gemma hat gesagt, …

Forscher: “Der ST25-Reis Vietnams ist immer noch eine der weltweit besten Reissorten.” (câu trực tiếp)

-> Forscher betonte, …

 Mách nhỏ 1:

Ta có thể sử dụng các cách diễn đạt khác để hình thành câu gián tiếp như:

  • Jemand war der Meinung/ Ansicht/ Auffassung, dass …
  • Nach neuesten Erkenntnissen …
  • Einer Studie zufolge …
  • Laut einer Untersuchung/ Forschung …

CẤU TRÚC

Trong ngôn ngữ nói hàng ngày

– Trong văn nói, người ta thường đặt câu gián tiếp sử dụng chính Chỉ định thức – Indikativ:

Ví dụ: Gemma: “Ich gehe heute Abend auf Nadines Geburtstagsparty.” (câu trực tiếp)

-> Gemma hat gesagt, sie geht heute Abend auf Nadines Geburtstagsparty.

– Ta cũng có thể sử dụng thể Giả định thức II – Konjunktiv II để hình thành câu gián tiếp: 

Gemma hat gesagt, sie würde heute Abend auf Nadines Geburtstagsparty gehen.

Trong ngôn ngữ viết

– Câu gián tiếp trong văn viết được cấu thành với thể Giả định thức I – Konjunktiv I:

Ví dụ. Forscher: “Der ST25-Reis Vietnams ist immer noch eine der weltweit besten Reissorten.” (câu trực tiếp)

-> Forscher betonte, der ST25-Reis Vietnams sei immer noch eine der weltweit besten Reissorten.

– Thông thường, thể Giả định thức I với các ngôi sẽ có dạng chia động từ như sau:

  • sein: ich sei; du sei(e)st; er/sie/es sei; wir seien; ihr sei(e)t, sie/Sie seien
  • Động từ khuyết thiếu ở ngôi thứ nhất và thứ ba số ít: ich/er/sie/es wolle/könne/müsse/solle, …
  • Các động từ khác với ngôi thứ ba số ít: er habe, sie gehe, er arbeite, …

– Khi cấu trúc của thể Giả định thức I bị trùng với dạng chia của động từ đó ở thì hiện tại, ta sẽ sử dụng dạng thay thế của nó, đó chính là thể Giả định thức II – Konjunktiv II:

Ví dụ. 

Alle denken, ich habe viel Geld. (Konjunktiv I) -> Falsch.

Alle denken, ich hätte viel Geld. (Konjunktiv II) -> Richtig.

Die Politiker sagten, sie planen neue Reformen. (Konjunktiv I) -> Falsch.

-> Die Politiker sagten, sie würden neue Reformen planen. (Konjunktiv II) -> Richtig.

 Mách nhỏ 2:

Cấu trúc Konjunktiv I với chủ ngữ ngôi thứ 2 cả số ít và số nhiều đều đã bị coi là không thông dụng, gần như không bao giờ được sử dụng. Ở đây ta cũng sẽ dùng Konjunktiv II để tạo câu gián tiếp.

CÁC THÌ ĐỘNG TỪ

– Chỉ có duy nhất một cấu trúc quá khứ với thể Konjunktiv I. Đó là dạng Konjunktiv I của “sein” hoặc “haben” cộng với quá khứ phân từ Partizip II:

Ví dụ.

  • Der Pressesprecher sagte der Zeitung, die Parteichefin sei nicht zum Parteitag nach Berlin gekommen.
  • Er teilte mit, dass sie aber per Videokonferenz an den Diskussionen teilgenommen habe.

– Khi phát ngôn liên quan đến hiện tại, câu gián tiếp cũng ở thì hiện tại:

Ví dụ. 

  • Der Wissenschaftler sagt/sagte/hat gesagt, dass er nichts über die finanziellen Entscheidungen der Firma wisse.

– Khi câu nói liên quan đến quá khứ, câu gián tiếp sẽ được tạo thành ở thì quá khứ:

  • Der Wissenschaftler sagt/sagte/hat gesagt, dass er nichts über die finanziellen Entscheidungen der Firma gewusst habe/hätte. 

– Khi câu nói hướng đến tương lai, câu gián tiếp cũng sẽ được viết ở thì tương lai:

  • Der Wissenschaftler sagt/sagte/hat gesagt, dass er keine Informationen über die finanziellen Entscheidungen der Firma bekommen werde.

CÁC GÓC NHÌN 

– Khi chúng ta trích dẫn, thuật lại phát ngôn của người khác, góc nhìn cũng sẽ theo đó mà thay đổi. Cần lưu ý rằng cả các đại từ nhân xưng thay thế, trạng từ chỉ thời gian và không gian cũng sẽ biến đổi.

Ví dụ. 

Sie sagt: “Ich war gestern nicht hier.”

Sie sagt, sie sei am Tag zuvor nicht dort gewesen.

 Mách nhỏ 3:

– Các câu cầu khiến và đề nghị sẽ được diễn đạt bởi từ “mögen” hoặc “sollen”:

Er bat seine Frau: “Bitte hab noch etwas Geduld!”

-> Er bat seine Frau, sie möge/solle noch etwas Geduld haben.

Các bạn cùng làm với DWN bài tập về phần này nhé!

Hãy điền dạng đúng của động từ ở thể Giả định thức:

  1. Die Politikerin äußerte sich positiv zu den geplanten Reformen. Sie ……. (freuen) sich, dass in Zukunft Bürger aus niedrigen Einkommensklassen mehr Unterstützung vom Staat …………. (bekommen).
  2. Diese Reform ………. (werden) auch die Wirtschaft beleben.
  3. Sie ………. (haben) keine Angst, dass die Opposition gegen die Reformen stimmen ………. (können).
  4. Sie betonte, dass jeder ………. (wissen), dass die Zeit für eine Reform dieser Art jetzt gekommen ………. (sein).

×
Đăng ký tư vấn
viVietnamese
viVietnamese
Gọi ngay: 0962209211
Chat với chúng tôi