Top 10 tác phẩm nên đọc của CHLB Đức- Số 1: Mùi hương- Das Parfum

Mùi hương – Câu chuyện của một kẻ sát nhân

(Das Parfum)

Tác Giả: Patrick Süskind

Một tác phẩm đã từng bị các nhà xuất bản từ chối bản thảo, nhưng lại trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất thế giới với hơn 20 triệu bản được lưu hành, được dịch ra gần 50 ngôn ngữ. Điều gì đã làm nên thành công của cuốn tiểu thuyết?

„Mùi hương“ – cuốn tiểu thuyết đầu tay của nhà văn Patrick Süskind được xuất bản năm 1895. Tác phẩm xoay quanh thiên tài nước hoa Jean-Baptiste Grenouille – một đứa trẻ được sinh ra ở khu chợ cá nơi tăm tối nhất của thủ đô Paris hoa lệ lúc bấy giờ, một đứa trẻ với số phận khác người. Hắn lớn lên cô độc, lẻ loi. Giữa hàng trăm, hàng nghìn mùi khác nhau, từ mùi hôi tanh của chợ cá nơi hắn sinh ra, đến những mùi nước hoa cao sang quyền quý, hắn đều có thể ghi nhớ và nhận biết được từng mùi. Ấy thế mà chính mùi cơ thể hắn, hắn lại không tài nào cảm nhận được. Hắn bị mẹ bỏ rơi, bị cả xã hội ghẻ lạnh, và ngay cả thứ mùi của một con người cũng ruồng bỏ hắn. Với khao khát tìm ra mùi hương tuyệt diệu nhất cho riêng mình, hắn đã lên một kế hoạch tàn độc để đánh cắp hương thơm trên những thiếu nữ trẻ. Và đó là sự khởi nguồn về tội ác đầy ám ảnh của một kẻ sát nhân quỷ dữ bị nguyền rủa.

Có thể nói, hình tượng xuyên suốt cuốn tiểu thuyết này, đó không chỉ là thứ mà khứu giác ta cảm nhận được. Mùi hương của „Das Parfum“ mang tinh thần chủ đạo của tác phẩm, là nỗi sợ hãi sự cô độc. Grenouille được Patrick Süskind vẽ nên là một kẻ sát nhân máu lạnh. Thế nhưng khi đã gập cuốn sách lại, người đọc như vỡ ra, rằng chính Grenouille là một nạn nhân đáng thương của nỗi sợ sự cô độc. Grenouille đánh hơi được mọi mùi trên thế gian – hay nói cách khác, hắn đánh hơi được mọi tội ác trên thế gian. Hắn sợ con người, chính xác hơn là sợ mùi hôi thối của con người, chính xác hơn nữa, có lẽ là sợ sự độc ác của con người, nếu như hắn có quyền lên án kẻ khác là độc ác. Và nỗi sợ bị ruồng bỏ dường như lấn át tất cả trong tâm trí hắn.

Và ở cái giây phút cuối cùng trên đỉnh vinh quang, khi đã thu tóm cho mình thứ mùi hương tuyệt diệu nhất, cũng là sự tồn tại vĩ đại nhất, khi loài người quỳ phục dưới chân hắn, có lẽ lần đầu tiên hắn ý thức được sự cô độc tận cùng của của mình. Hắn đi mãi, đi mãi để tìm về cái nơi hôi thối nghèo khổ mà mình đã sinh ra, để rồi trút tất cả lọ nước hoa lên người, để mặc cho những kẻ lao cùng bần tiện kia cấu xé đến không còn một mảnh xương nào.

Grenouille biến mất khỏi thế gian này như chưa từng tồn tại. Một cái kết thực sự hủy diệt, sự hủy diệt tỏa sáng đến chói mắt và được thăng hoa bằng cái đẹp của hương thơm.

Ngôn ngữ văn chương của „Mùi hương“ dửng dưng và lạnh lẽo, vô cảm đến tận cùng, để mô tả cái trần trụi của câu chuyện. Thế nhưng chính những con chữ „vô cảm” ấy lại đánh vào cảm xúc người ta mạnh mẽ nhất, đó là sự cô độc tận cùng, trở thành nỗi sợ hãi, nỗi ám ảnh khôn nguôi.

„Das Parfum“ là một tổng hòa của nghệ thuật, cái đẹp, cái điên loạn, sự đen tối bẩn thỉu, sự thăng hoa rực rỡ. Sự hiện diện của „Mùi hương” là sức ám ảnh ma mị đến ngột ngạt, mê đắm mà run rẩy. Patrick Suskind đã đưa người đọc đến với cái thế giới phù phiếm – „vương quốc phù du của hương thơm”, để từ đó cất lên tiếng nói đầy cay đắng về sự tồn tại của con người trong xã hội này.

×
Đăng ký tư vấn
viVietnamese
viVietnamese
Gọi ngay: 0962209211
Chat với chúng tôi