Vậy là chủ nhật tuần này, tất cả người dân nước Đức sẽ được “lãi” thêm 1 tiếng ngủ nướng khi rạng sáng ngày mai, cụ thể là 3 giờ sáng ngày 31/10, nước Đức sẽ thực hiện chuyển đổi về múi giờ mùa đông, có nghĩa là mọi đồng hồ sẽ tự động quay ngược lại 1 tiếng về 2 giờ sáng và sau đó tiếp tục chạy như bình thường. Tại sao lại cần một sự chuyển đồi đầy “cồng kềnh” như vậy? Bài viết này của DWN Việt Nam sẽ giải đáp cho các bạn thắc mắc đó!
Việc thay đổi múi giờ đã được áp dụng lần đầu tiên tại Đức vào năm 1980, có nghĩa là, bên cạnh múi giờ mùa đông, còn được coi là múi giờ chuẩn, thì múi giờ mùa hè cũng đã được áp dụng trong hơn 40 năm vừa qua.
Một trong các nguyên nhân chính dẫn tới quyết định này là cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào năm 1973. Sự kiện này réo lên hồi chuông báo động về vấn đề năng lượng, và một trong các giải pháp được đề ra chính là thay đổi múi giờ. Ý tưởng cơ bản ở đây là đèn chiếu sáng sẽ không cần sử dụng cho đến thời điểm một tiếng sau vào buổi tối. Tuy nhiên ý tưởng này cũng chưa thực sự tối ưu khi số liệu thống kê đã cho thấy chi phí sưởi ấm tăng đáng kể vào buổi sáng trong những tháng mùa hè với thời tiết có phần mát mẻ hơn. Thêm vào đó, sự thay đổi thời gian này cũng khiến cho nhiều công ty chịu tổn thất, mà trong đó có thể kể đến một cái tên vô cùng nổi tiếng, Deutsche Bahn. Ngoài ra nhà nước cũng phải chi trả thêm những chi phí không cần thiết cho việc chăm sóc sức khỏe khi rất nhiều người gặp các vấn đề sức khỏe do thay đổi nhịp điệu về thời gian. Điều này dẫn tới số phiếu phản đối cho việc thay đổi múi giờ hè- đông ngày càng tăng do cân nhắc tới việc, sự thay đổi này luôn gây tốn kém hơn so với mục đích ban đầu của nó, là để tiết kiệm.
Có thể trong tương lai không xa, nét văn hóa đặc biệt này của nước Đức sẽ bị thay đổi, nhưng trước khi ngày đó đến, thì người dân Đức vẫn có thể tận hưởng 1 tiếng ngủ nướng lãi thêm của mình mỗi năm khi đông về.
Nguồn thông tin: Warum gibt es die Zeitumstellung? Einfach erklärt | FOCUS.de